Tham gia hành trình có đồng chí Nguyễn Triệu Luật – Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh cùng công chức, người lao động, Hòa giải viên, Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn. Đây là hoạt động hoạt động thiết thực, ý nghĩa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc, đồng thời tăng cường các hoạt động giáo dục về chính trị tư tưởng, truyền thống Cách mạng, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Về thăm Nhà Tưởng niệm và Tượng đài anh hùng Võ Thị Sáu nằm ở ngã tư Đất Đỏ, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong không khí trang nghiêm, với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, đoàn đã dâng hương và dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Chị Võ Thị Sáu là người tử tù đầu tiên ở Côn Đảo, cũng là nữ tù nhỏ tuổi nhất, đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 02/8/1993. Sự hy sinh anh dũng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, lý tưởng sống cao đẹp của chị mãi là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau noi theo, không ngừng phấn đấu, học tập, tu dưỡng bản thân.
Sau lễ viếng, Đoàn đã tham quan khu trưng bày, nghe giới thiệu về tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng, sự kiên trung, bất khuất của nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu.(Tập thể công chức, người lao động, Hòa giải viên, Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn tham gia chương trình)
(Đoàn dâng hương tại đền thờ nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu)
(Đoàn tham quan tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia núi Minh Đạm)
Sau đó, đoàn đã đến tham quan tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia núi Minh Đạm, minh chứng của một thời lịch sử hào hùng ở miền Nam. Tên gọi núi Minh Đạm được bắt nguồn từ tên ghép của hai đồng chí Bùi Công Minh – Bí thư và Mạc Thanh Đạm – Phó bí thư Huyện uỷ Long Điền đã có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng. Trên đường đi công tác về do bị chỉ điểm nên hai đồng chí bị phục kích và hy sinh vào ngày 17/11/1948. Để tưởng nhớ hai người con anh dũng, trung hiếu của cách mạng, Nhân dân đã đặt tên cho ngọn núi này là núi Minh Đạm.
Trong giai đoạn kháng chiến, lợi dụng địa hình núi non hiểm trở có nhiều hang động lớn nhỏ. Các chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã lựa chọn nơi đây làm làm căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
(Đoàn dân hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2.692 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc)
Hành trình về nguồn, là bài học thực tế về lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là dịp để các thành viên trong đoàn được giao lưu, học hỏi, tăng cường tình đoàn kết, nhất trí về tư tưởng, hành động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.