Sáng 9/12, Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Doãn Khánh – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.
Nghị quyết 48-NQ/TƯ đã “đi vào cuộc sống”
Sau 10 năm thực hiện NQ 48, công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã đạt những kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật đã cơ bản được hoàn thiện về cả nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), điều chỉnh phần lớn các quan hệ cơ bản của đời sống xã hội. Qua đó, nhiều chủ trương lớn đã được triển khai trên thực tế và có tác động tích cực trên nhiều lĩnh vực, mang lại những chuyển biến sâu sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước.
Công tác thi hành pháp luật cũng từng bước được chú trọng. Việc thi hành Hiến pháp, luật được bảo đảm bởi chính Nhà nước, cán bộ, công chức và tổ chức, cá nhân trong xã hội. Hành vi vi phạm pháp luật cơ bản được phát hiện và xử lý kịp thời. Tăng cường khắc phục tình trạng nợ đọng VB hướng dẫn, quy định chi tiết.
Công tác “hậu kiểm” VBQPPL thường xuyên, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được triển khai khá đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW, “kết quả trên là do NQ đã được nghiêm túc thực hiện, đi vào cuộc sống, huy động được toàn hệ thống chính trị và xã hội tham gia vào công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật”.
Còn gây khó khăn cho việc thi hành
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế như tính cụ thể trong nhiều văn bản còn thấp, tính khả thi của một số quy định còn có bất cập, hệ thống pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu tính ổn định, tính dự báo chưa cao. Tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật vẫn bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn cho việc thi hành.
Vẫn còn những quy định thiếu minh bạch, hiểu áp dụng không thống nhất, trong khi UBTVQH hầu như chưa thực hiện việc giải thích pháp luật. hiệu lực của hệ thống pháp luật còn bị hạn chế do tình trạng lạm phát và nợ VB hướng dẫn, còn tình trạng VB ban hành thiên về tạo thuận lơin cho cơ quan quản lý, đẩy khó khăn cho cá nhân, tổ chức.
Theo Ban Chỉ đạo, một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong công tác hoàn thiện pháp luật là việc tiếp thu ý kiến đóng góp còn hình thức, chưa thực hiện nghiêm túc, chưa lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản nên sau khi ban hành đã không đi vào cuộc sống, thậm chí gây phản ứng xã hội, phải sửa đổi ngay.
Còn tình trạng chính sách không phù hợp với thực tiễn hoặc có khoảng trống nhưng chưa được điều chỉnh. Chưa quan tâm nhiều đến cơ chế, điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật. Ý thức chấp hành pháp luật, ngay cả của cán bộ, công chức thiếu đồng bộ…
Đổi mới để tăng cường hiệu lực, hiệu quả
Trên cơ sở những kết quả và tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TƯ 10 năm qua, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết, Ban Chỉ đạo xác định giai đoạn 2016-2020 tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị, về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, về dân sự, kinh tế mà trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; pháp luật về văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế, văn hóa- thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội, hội nhập quốc tế.
Theo các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật cũng như công tác tổ chức thi hành pháp luật được đề ra, việc thực hiện Nghị quyết 48 giai đoạn 2016-2020 dự kiến sẽ đổi mới việc lập và thông qua các chương trình xây dựng VBQPPL, bảo đảm quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, tăng cường các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật, tăng cường năng lực cho các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật. Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý về án lệ.
Đồng thời, tăng cường phát hiện, xử lý VBQPPL trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không có tính khả thi, khó thực hiện, tăng cường công tác giải thích áp dụng pháp luật của UBTVQH, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối VBQPPL do TƯ và địa phương ban hành để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của VBPL.
Đổi mới, gắn kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, thi hành pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng cử nhân luật, nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật. Phát triển đồng bộ các dịch vụ pháp lý có sự quản lý của Nhà nước. Đổi mới tư duy về hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp…